Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cùng 5 đối tác rót nghìn tỷ xây Nhà ga sân bay quốc tế Cam Ranh
Dự án này có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 3.735 tỷ đồng, chủ đầu tư và 2 ngân hàng Vietcombank, Vietinbank vừa ký kết hợp tác thu xếp khoản tín dụng với tổng giá trị 3.000 tỷ đồng.
Nhà ga hành khách quốc tế – Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh được chia thành 3 giai đoạn đầu tư, do Công ty Cổ phần Nhà ga quốc tế Cam Ranh (CRTC) là Chủ đầu tư. Qua tìm hiểu được biết, CRTC là công ty được thành lập bởi 6 nhà đầu tư gồm: ACV, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP), Công ty Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh, Công ty Việt Xuân Mới, Công ty Giao nhận hàng hoá Nasco và Vietjet.
Đáng chú ý, Chủ tịch của CRTC là ông Johnathan Hạnh Nguyễn, một doanh nhân khá nổi tiếng, ông đồng thời cũng là Chủ tịch của IPP và đã từng là thanh tra tài chính của hãng Boeing của Mỹ. Gia đình ông Johnathan Hạnh Nguyễn cũng khá nổi trong giới điện ảnh, con trai thứ 2 của ông là chồng của diễn viên Tăng Thanh Hà.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn là một trong những Việt kiều đầu tiên đầu tư về Việt Nam sau những năm 1986 khi đất nước mới bắt đầu mở cửa. Hiện Công ty IPP của ông đã và đang đầu tư hoặc hợp tác đầu tư hàng chục dự án với số vốn đầu tư hàng trăm triệu USD. Ông đồng thời cũng rất nổi tiếng về kinh doanh hàng hiệu ở Việt Nam, còn có biệt danh là “vua hàng hiệu”.
Trong số đó, Tràng Tiền Plaza là thương vụ điểm nhấn của ông Johnathan Hạnh Nguyễn trong thời gian gần đây. Mới đây, doanh nhân này cũng đã có một kế hoạch táo bạo cùng nhóm nhà đầu tư nước ngoài khác là xây dựng một Tổ hợp bất động sản lên tới 4 tỷ USD ở Thủ Thiêm.
Ở dự án Nhà ga hành khách quốc tế Cam Ranh, ông Johnathan Hạnh Nguyễn có vai trò chính khi là chủ tịch HĐQT của CRTC. Ngoài ra, dự án này còn có sự góp mặt của một số đại gia trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng khác.
Chẳng hạn như Công ty Yên Khánh, là một trong những công ty về hạ tầng mới nổi gần đây, được thành lập năm 2005, đến nay công ty này có vốn điều lệ 1000 tỷ do bà Vũ Thị Hoan sinh năm 1985 có hộ khẩu tại phường Bình An, Quận 2, Tp.HCM sở hữu tới 70%. Công ty này đang triển khai nhiều dự án như Yên Khánh cùng Cienco 1 đầu tư vào dự án cầu Cổ Chiên tổng mức đầu tư 2.308 tỷ đồng, liên danh với Hassyu mua lại 35% một công ty lớn khác trong ngành giao thông là Cienco 1.
Trong liên doanh đầu tư vào Nhà ga hành khách quốc tế Cam Ranh, có lẽ bí ẩn nhất là Công ty Việt Xuân Mới. Khá ít thông tin về công ty này, tuy nhiên, gần đây Việt Xuân Mới xuất hiện trong nhiều thương vụ thâu tóm cổ phần trong lĩnh vực hạ tầng và logistic. Đầu 2016, Việt Xuân Mới được chọn là đối tác mua 51% cổ phần của Vinalines tại CTCP Cảng Vinalines Đình Vũ, hiện là thành viên trong liên danh 3 nhà đầu tư dự án cao tốc Quốc lộ 3 mới đoạn Hà Nội –Thái Nguyên,…Công ty này có vốn điều lệ 160 tỷ.
Theo CRTC, Dự án Nhà ga hành khách quốc tế Cam Ranh được đầu tư theo 3 giai đoạn, nhằm đạt mục tiêu đón 8 triệu khách vào năm 2030. Trước mắt công trình này được xây dựng để đón được khoảng 2,5 triệu khách mỗi năm. Hiện công trình đang thi công xây dựng, dự kiến vận hành sau 18 tháng thi công, dự kiến vào tháng 3/2018.
Quy mô gồm 2 tầng được thiết kế theo ý tưởng tổ yến, với tổng diện tích khoảng 50.500m2 sàn, nhà ga sẽ có 10 cửa ra máy bay (4 cổng tiếp xúc và 6 cổng ra bãi đỗ xa). Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, đây là một trong những nhà ga sân bay đầu tiên được đầu tư bằng vốn tư nhân.